Một số kết quả nghiên cứu mới về quặng hóa mangan khu vực nà pết, tuyên quang
- Tác giả: Nguyễn Phương 1, Nguyễn Thị Cúc 1, Nguyễn Thị Thu Hằng 2
Cơ quan:
1 Trường Đại học Mỏ - Địa chất;
2 CTCP tư vấn triển khai CN Mỏ - Địa chất
- Nhận bài: 28-02-2014
- Sửa xong: 17-04-2014
- Chấp nhận: 30-04-2014
- Ngày đăng: 30-04-2014
- Lĩnh vực: Địa chất - Khoáng sản
Tóm tắt:
Kết quả nghiên cứu mới về quặng hóa mangan khu vực Nà Pết cho phép rút ra một số kết luận sau: - Quặng mangan gốc phân bố tập trung trong đới vò nhàu, cà nát, mặt phân phiến dạng bong lớp phát triển trong các đá phiến silic, xen quaczit của hệ tầng Phia Phương (D1pp). Chiều dày trung bình các thân quặng biến đổi từ 0,7m đến 3,2m, biến đổi thuộc loại tương đối ổn định đến không ổn định. Hàm lượng Mn trong quặng gốc từ 0,04% đến 23,36%, trung bình 4,73%, biến đổi thuộc loại đặc biệt không đồng đều. Quặng có cấu tạo dạng đặc xít, dăm, xâm tán. - Khoáng vật trong quặng gốc chủ yếu là psilomelan, manganit, pyroluzit, ngoài ra còn có các khoáng vật chứa sắt như magnetit, limonit, ít hơn là pyrit. Kiến trúc quặng dạng keo, ẩn tinh, gặm mòn, dạng hạt nhỏ, dạng khung. Tổ hợp cộng sinh khoáng vật đặc trưng cho giai đoạn tạo quặng công nghiệp là Psilomelan - Pyroluzit - Limonit. Quặng thuộc kiểu nguồn gốc phong hóa thấm đọng. - Quặng eluvi – deluvi phân bố dạng lớp phủ trên diện tích khá rộng, kéo dài theo phương ĐB - TN, trùng phương kéo dài của các thân quặng gốc. Thành phần khoáng vật tương tự quặng gốc. Quặng tồn tại chủ yếu dạng tảng lăn, cục, dạng hòn và dạng bột. Thân quặng dày từ 1 -2 m đến 5 - 6 m; có vị trí tới 10 - 15m, trung bình 3 - 4m, biến đổi thuộc loại tương đối ổn định. Hàm lượng Mn trong các thân quặng từ 0,02% – 21,10%, trung bình 5,06%, biến đổi thuộc loại không đồng đều. Quặng có hàm lượng thấp, quy mô không lớn, nhưng điều kiện khai thác thuận lợi. Ngoài mangan, kết quả phân tích còn cho thấy hàm lượng Fe trong tinh quặng tương đối cao, cần được kết hợp thu hồi cùng mangan trong quá trình khai thác.
Các bài báo khác